Các nhân tố Opera Việt Nam

Dàn nhạc giao hưởng

Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam
Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tại Nhà hát lớn Hà Nội

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, tại miền Bắc, trước sự trưởng thành của ngành âm nhạc và yêu cầu cấp thiết có được điều kiện để thúc đẩy việc sáng tác đồng thời trình diễn, giới thiệu tới người dân những tác phẩm từ những nhà soạn nhạc lớn phương Tây, Bộ Văn hóa Việt Nam đã đưa ra quyết định thành lập một dàn nhạc giao hưởng đầu tiên của chế độ Xã hội Chủ nghĩa với sự giúp đỡ của những chuyên gia nước ngoài vào ngày 6 tháng 8 năm 1959. Việc thành lập Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đáp ứng được yêu cầu là tận dụng nghệ thuật biểu diễn âm nhạc với quy mô lớn để khích lệ quần chúng trong cuộc cách mạng văn hóa và tư tưởng, khuyến khích việc sáng tác ra những tác phẩm âm nhạc quy mô lớn. Ngày 5 tháng 9 năm 1950, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám đã giao cho Dương Quang Thiện, một người cùng đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm với mục tiêu xây dựng một dàn nhạc 4 quản hoàn chỉnh gồm 114 nhạc công. Tuy vậy, tới năm 1984, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO) mới được thành lập chính thức theo quyết định số 79/VH-QĐ, ngày 14 tháng 6 năm 1984 trực thuộc Bộ Văn hóa Việt Nam.[70]

Dàn nhạc giao hưởng Nhạc vũ kịch

Năm 1964, để đẩy mạnh thêm phong trào âm nhạc, sau hai năm thành lập Đoàn Hợp xướng Việt Nam, Bộ Văn hóa đã quyết định thành lập một đơn vị nghệ thuật mới, quy mô lớn hơn, đó là Nhà hát Giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam. Vở opera đầu tiên được công diễn là Yevgeny Onegin của Tchaikovsky, sau đó nhà hát đã cho trình diễn vở nhạc kịch của Triều Tiên Núi rừng hãy lên tiếng gồm 5 màn, 8 cảnh vào tháng 12 năm 1964. Đây được xem là thử thách đầu tiên về loại hình nghệ thuật tổng hợp cao cấp này như opera. Trong dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng thọ Hồ Chí Minh 75 tuổi, dàn nhạc này đã cùng với dàn hợp xướng của Nhà hát, trình diễn vở nhạc kịch Cô Sao của Đỗ Nhuận. Kể từ ngày thành lập Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam (1984), dàn nhạc của Nhà hát Nhạc vũ kịch không được chú tâm phát triển nhiều. Đến giữa thập niên 2010, biên chế nhạc công còn rất hạn chế với trên dưới 30 người nên được nhận định là "chưa thể coi là hoàn chỉnh đối với một dàn nhạc giao hưởng". Theo đó, mỗi lần có chương trình biểu diễn, Dàn nhạc của nhà hát này phải phụ thuộc nhiều vào các cộng tác viên thuộc các đơn vị khác. Dàn nhạc chủ yếu được sử dụng để đảm nhiệm phần âm nhạc cho các vở ballet, opera, operetta.[70][71]

Các dàn nhạc khác
Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời

Kể từ sau khi Việt Nam giành được độc lập, sự thịnh hành của của các loại nhạc pop, rock, các loại nhạc cụ điện tử... đã khiến cho sự xuất hiện của âm nhạc giao hưởng ngày càng thưa dần. Tuy vậy, từ những năm 90 của thế kỷ 20, âm nhạc giao hưởng dần dần xuất hiện trở lại. Với sự giao lưu văn hóa mở cửa, nhiều nghệ sĩ và nhà chỉ huy dàn nhạc quốc tế đã đến Việt Nam làm việc với Dàn nhạc Giao hưởng, cộng tác với các nghệ sĩ Việt Nam trong các chương trình biểu diễn xuyên Việt trong nhiều năm.[70] Tính đến năm 2024, Việt Nam có một số dàn nhạc giao hưởng thường xuyên hoạt động biểu diễn opera, nhạc giao hưởng như Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội trực thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Thành phố Hồ Chí Minh (hoạt động không thường trực),[70] Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời,[72]...

Nhà hát

Nhà hát lớn Hà Nội (trên), nhà hát opera Hồ Gươm (giữa) và Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh (dưới)

Những nhà hát đầu tiên của Việt Nam cũng được xây dựng từ đầu những năm 1900 như Nhà hát lớn Hà NộiNhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi diễn ra những chương trình văn hoá nghệ thuật và các buổi diễn opera lớn, nhưng các nhà hát tại Việt Nam vẫn đang ở mức phục vụ các chương trình nghệ thuật ở quy mô trong nước, chưa thể trở thành nơi biểu diễn của những nghệ sĩ nổi tiếng toàn thế giới trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.[73] Thời điểm năm 1990, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam mới có đủ khả năng phối hợp dàn dựng những tác phẩm opera lớn, và cũng chỉ có nhà hát này mới có đủ các nghệ sĩ có trình độ để biểu diễn opera. Tính ở thời điểm đó, nhà hát dàn dựng và công diễn khoảng dưới 10 vở opera.[39]

Nghệ sĩ Đỗ Quốc Hưng từng nêu ra vấn đề việc không thống nhất giữa hai khái niệm nhà hát khiến cho loại nhà hát kiểu rạp hát lớn tại Việt Nam không còn là thánh đường của nghệ thuật opera. Để duy trì hoạt động, nhà hát phải chấp nhận cho nhiều loại hình âm nhạc, nghệ thuật ngoài opera, thậm chí cả những hoạt động không phải nghệ thuật cũng diễn ra tại đây. Những hoạt động này tuy đạt được mục đích về kinh tế, nhưng đã làm mất đi vị thế, giá trị và chức năng chính của nhà hát. Thực trạng này đã diễn ra ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong một khoảng thời gian dài.[29]

Tới năm 2020, sân khấu biểu diễn opera chuyên nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa có. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết việc dựng vở Người tạc tượng tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam chỉ còn cách phải phóng thanh bằng sử dụng micro chuyên dụng treo ở trên và đặt dưới mặt đất.[41] Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã ra đời được hơn 50 năm nhưng chưa có được một lực lượng ca sĩ hát opera tương xứng, chưa tạo được sức hút đối với công chúng.[74] Suốt thời gian đầu thế kỷ 21, chỉ có Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh có những nỗ lực để xây dựng và sản xuất các vở opera nổi tiếng thế giới và một số tác phẩm opera Việt. Tuy nhiên, kinh phí dàn dựng là vấn đề trở ngại lớn nhất.[39]

Năm 2022, một dự án quy hoạch xây dựng nhà hát opera ở Hồ Tây đã được công bố, nhận được sự quan tâm nhất định từ giới chuyên môn và người dân Hà Nội.[75][76] Năm 2023, nhà hát opera mang tên Hồ Gươm được khánh thành tại quận Hoàn Kiếm được xem là nhà hát có thiết kế, không gian kiến trúc và trang thiết bị hiện đại nhất tại Việt Nam tại thời điểm đi vào hoạt động.[77][78] Nhà hát này được dự định là yếu tố thúc đẩy đời sống văn hóa, nghệ thuật của người dân tại thành phố Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.[79]

Nghệ sĩ

Một số nghệ sĩ opera tại Việt Nam thế kỷ 21. Từ trái qua phải:

Ngay từ lúc ra đời, vở opera Cô Sao đã có được phần biểu diễn quy tụ những nghệ sĩ thanh nhạc có tiếng thời bấy giờ như Quý Dương, Ngọc Dậu, Trung Kiên, Quang Hưng.[27] Dù vậy, từ trước khi vở opera đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam ra đời, các nghệ sĩ giọng nữ cao luôn chiếm ưu thế trong thể hiện các tác phẩm thanh nhạc từ khi Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập và đào tạo phần lớn giọng nữ cao.[21] Nổi bật trong số những nghệ sĩ giọng nữ cao là Lê Dung, bà được xem là người đặt nền móng của nhạc cổ điển tại Việt Nam, đồng thời được nhận định là người có tài năng, thành tựu lớn trong việc đem giá trị của nên văn hóa, âm nhạc thế giới với công chúng Việt Nam.[80][81] Trong khi đó, với những nam nghệ sĩ opera, chất giọng nam trầm tại Việt Nam và một số nước châu Á nói chung vẫn trong tình trạng khan hiếm.[43] Đỗ Quốc Hưng hiện là giọng nam trầm hiếm hoi hiện tại của Việt Nam.[82]

Tại miền Nam, báo chí có đưa tin về một số nghệ sĩ hát tuồng, cải lương mà theo cách gọi của họ cũng là "tuồng opera" như Phùng Há, Năm Phỉ. Những ca sĩ này được khen ngợi là có giọng hát sánh ngang với các "ngôi sao opera" của nước Pháp đương thời, cho dù đó là hai loại hình nghệ thuật khác nhau.[7]

Thế kỷ 21, những nghệ sĩ có tâm huyết với opera đã nỗ lực tìm kiếm đầu tư, xây dựng kịch bản, tập hợp nghệ sĩ để biểu diễn trước công chúng một số vở diễn thuộc loại hình được cho là "kén người thưởng thức" tại quốc gia này. Số lượng nghệ sĩ opera có trình độ cao tới thập niên 2020 vẫn chỉ là con số khiêm tốn.[41] Theo một nhận định từ báo Tổ quốc, so với các nghệ sĩ opera trên thế giới, nghệ sĩ opera Việt Nam chưa được công chúng quan tâm và chưa nhận được sự đền đáp với công sức bỏ ra.[83] Qua một nghiên cứu, bản thân thể chất của người Việt cũng không có lợi thế để hát loại hình nghệ thuật này từ giọng hát tới thể lực bẩm sinh. Thông thường, một ca sĩ opera phải trải qua nhiều vòng tuyển chọn khắt khe và mất từ 6 tới 10 năm học tại trường lớp mới được biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp. Trong quá trình học, họ phải bỏ cuộc vì bị rất nhiều cuộc thi khắc nghiệt ngăn cản và phải chịu những bài tập khó khăn về kỹ thuật, thể lực.[83]

Do cơ sở vật chất tại Việt Nam hiện chưa đáp ứng đủ để đào tạo ra một ca sĩ opera chuyên nghiệp, nhiều người buộc phải tự trang trải tài chính để du học. Nghệ sĩ opera Việt Nam từ nhiều năm nay vẫn hoạt động một cách âm thầm và gần như tách biệt hẳn với giới giải trí. Các buổi hòa nhạc, nhạc kịch diễn ra không nhiều và lượng khán giả đến xem rất thưa thớt, kéo theo tiền lương thấp, bằng một phần rất nhỏ so với một nghệ sĩ V-pop. Đa số ca sĩ opera của Việt Nam đều phải kiêm thêm nhiều công việc khác để duy trì cuộc sống như kinh doanh, làm quản lý, dạy học. Hầu như không ai kiếm sống được bằng việc hát opera.[83][84] Một bài báo đã nêu lên thực trạng và đặt ra câu hỏi về việc một số nghệ sĩ của dòng nhạc nhẹ hoặc âm nhạc thị trường (showbiz) chỉ cần "vài cú lắc hông" đã có thể thu về khoản tiền lợi nhuận lớn lao, trong khi các nghệ sĩ opera dù "thầm lặng cống hiến" nhưng khoản lợi nhuận chỉ là "muối bỏ bể".[85] Bài báo nhấn mạnh việc đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng cho âm nhạc hàn lâm cũng là điều cấp thiết.[85]

Nghệ sĩ tiêu biểu thế kỷ 21

Một số nghệ sĩ opera thế kỷ 21 khác cũng được báo chí Việt Nam đánh giá là nổi bật như Quang Thọ,[86] Quốc Hưng,[87] Vũ Mạnh Dũng,[88] Đào Tố Loan,[89] Lan Anh,[90] Tạ Minh Tâm,[91] Khánh Ngọc,[92] Hương Diệp.[93] Hà Phạm Thăng Long, người được đánh giá là một trong những ca sĩ hàng đầu của opera Việt Nam, cũng là người đầu tiên tham dự một cuộc thi opera tại Mỹ.[94] Ninh Đức Hoàng Long là nam nghệ sĩ đoạt giải Nhất cuộc thi opera Quốc tế tại Hungary.[95]

Khán giả

Trong thời kỳ Việt Nam là thuộc địa của Pháp, opera cùng các loại hình nghệ thuật châu Âu xuất hiện tại Việt Nam chủ yếu để phục vụ những quan lại và chính quyền thực dân Pháp cùng một số người Việt giàu có.[10] Trong chiến tranh Đông Dương, nhiều bài báo thường đưa tin rao vặt hoặc quảng cáo tới người dân các loại máy phát nhạc để nghe opera.[96] Khi vở opera Cô Sao được công diễn lần đầu tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong dịp kỷ niệm 20 năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vở diễn đã nhận được sự đón nhận từ công chúng.[53][97]

Tới thế kỷ 21, opera vẫn được xem là khái niệm "mơ hồ". Cũng vì bị coi là loại hình nghệ thuật "kén người nghe" nên opera tại Việt Nam vẫn chưa thu hút được số lượng khán giả đáng kể. Theo một nghiên cứu tại thời điểm công bố năm 2020 của tạp chí Văn hóa & Nghệ thuật, đa phần thính giả âm nhạc tại Việt Nam chưa xem bất cứ vở opera nào.[41] Khán giả tại Việt Nam có thể hiểu biết nhiều hơn về những nghệ sĩ V-pop dù hoạt động lâu năm hay chỉ mới nổi so với một nghệ sĩ opera Việt Nam.[83] Khi nhắc đến âm nhạc Việt Nam trong hơn 20 năm đầu thế kỷ 21, dường như khán giả nước này sẽ chỉ nhớ đến những cái tên đình đám của dòng nhạc nhẹ cùng các bảng xếp hạng từ lượt bình chọn qua đài phát thanh cho tới ngày của những thước đo “triệu lượt xem, nghe” qua thời đại công nghệ số chứ không phải những nghệ sĩ thuộc dòng nhạc opera, thính phòng và cổ điển.[85] Bên cạnh đó, công chúng xem opera ở Việt Nam được đánh giá là không nhiều. Khán giả chính của opera ở Việt Nam vẫn là người nước ngoài.[39]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Opera Việt Nam https://www.vnam.edu.vn/NewsDetail.aspx?lang=&Item... https://web.archive.org/web/20221003105919/https:/... https://www.worldcat.org/oclc/682149444 https://www.worldcat.org/title/682149444 https://www.google.com.vn/books/edition/Viet_Nam/m... https://www.vnam.edu.vn/NewsDetail.aspx?lang=&Item... https://books.google.com.vn/books/about/Acting.htm... https://www.vnam.edu.vn/rs/Document/2015-LeThiMinh... https://cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/oper... https://web.archive.org/web/20230103052724/https:/...